Lượt xem: 1245

Sáng ngời tấm gương của Mẹ

Tôi về thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Triệu Thị Hường, ở ấp Hoà Đức, xã Hoà Tú 1, huyện Mỹ Xuyên. Nghe Mẹ kể chuyện chở che bộ đội, một mình vất vả đảm đương cuộc sống gia đình để chồng con an tâm lên đường tham gia kháng chiến. Tôi thêm kính trọng lòng nhân ái, hy sinh của Mẹ, ghi nhớ công lao các liệt sĩ đã nằm xuống cho Tổ quốc mãi bình yên.

    Mẹ Triệu Thị Hường, sinh năm 1933. Mặc dù đã gần 90 tuổi, nhưng Mẹ vẫn còn khá khoẻ và minh mẫn. Mẹ luôn nhớ chuyện ngày xưa, nhất là những ngày chồng con lên đường tham gia kháng chiến.

    Ngồi trên chiếc võng giăng trước hiên nhà, mẹ hay dõi mắt nhìn ra đường như đang đợi chờ ai đó. Tôi nói với Mẹ: “Con thấy làng quê mình giờ đẹp thật, ngày càng có nhiều ngôi nhà mới, đường sá trải nhựa phẳng lì, 2 bên đường bà con còn trồng nhiều hoa nữa”. Mẹ quay sang nói: “Tội nghiệp ổng và thằng Hoàng hy sinh khi đất nước chưa đến ngày giải phóng. Phải chi chồng và con Mẹ còn sống, thì sẽ rất vui khi nhìn thấy quê hương mình đổi thay, phát triển như vầy”.


Đại úy Liêu Thanh Phong trò chuyện, hỏi thăm sức khoẻ của Mẹ Hường. Ảnh Thanh Nam

    Ông Hồ Văn Bộ (chồng mẹ Hường), sinh năm 1928. Thời kỳ chiến tranh, ông là cán bộ công chức Tài chính - Kế toán xã Hoà Tú. Ông hy sinh ngày 13-6-1961. Mẹ Hường kể: “Chiều hôm ấy, Mẹ ở nhà đợi ổng về ăn cơm. Đợi tới khi trời tối mà không thấy ổng về. Đói bụng quá nên Mẹ ăn cơm trước. Ăn chưa quá nửa chén cơm, thì Mẹ nghe súng nổ vang trời, bỏ dở chén cơm, Mẹ vội chạy ra sân. Chưa kịp hay biết chuyện gì, thì ông anh bà con chạy tới kêu Mẹ vào nhà nói ổng bị bọn biệt kích vừa bắn chết, cách nhà hơn trăm mét. Tội nghiệp ổng quá con ơi, chưa kịp về tới nhà ăn cơm với vợ con”. Nói đến đây, nước mắt Mẹ chảy dài, miệng Mẹ mấp máy mà không nói ra thành tiếng.

    Chị Hồ Thanh Hương (con gái lớn của mẹ Hường) an ủi: “Đừng buồn nữa Mẹ ơi, buồn nhiều không tốt cho sức khoẻ đâu”. Theo lời kể của chị Hường, bọn giặc biết ba chị tham gia cách mạng. Chiều ngày 13-6-1961, chúng phục kích bắn chết ông vì thấy ông về nhà có mang theo thức ăn, chúng nghi là mua thức ăn về tiếp tế cho bộ đội.

    Mất mát chưa dừng lại khi ngày 19-7-1973, người con trai thứ 3 của Mẹ Hường (anh Hồ Thanh Hoàng) cũng anh dũng hy sinh. Anh Huỳnh Văn Kỳ (người đồng đội và là người anh rể của liệt sĩ Hồ Thanh Hoàng) kể: “Ngày 29-01-1973, cậu Hoàng tham gia lực lượng Trung đội Công binh huyện Mỹ Xuyên, do tôi làm Trung đội trưởng. Nhờ cậu ấy mai mối mà tôi và chị cậu mới nên nghĩa vợ chồng. Cậu ấy hy sinh trong lúc cùng đồng đội đánh xe địch chở lính đi tuần tiễu. Thấy em nó bị thương nặng quá, tôi cõng em chạy rời khỏi trận đánh. Nằm trên lưng tôi, giọng em thều thào: “Em nhờ anh mai mốt lo cho mẹ và chị em nhé”. Chạy một đoạn không nghe em nói nữa, tôi dừng lại để em nằm xuống, thì thấy em nó đã tắt thở”.

    Chị Hồ Thanh Hương nói tiếp lời chồng: “Từ ngày em tôi hy sinh, Mẹ trở nên ít nói. Mẹ cần cù làm ruộng, chăn nuôi, chăm lo cuộc sống gia đình. Mẹ rất quý mến, thương yêu bộ đội. Hồi chiến tranh, những lúc bộ đội về địa phương đóng quân, hoặc dừng chân nghỉ ngơi trên đường hành quân chiến đấu, là Mẹ tổ chức nấu cơm, nấu cháo để bộ đội ăn cho lại sức”.

    Tình thương ấy, Mẹ giữ mãi đến giờ. Hay tin chúng tôi đến nhà, sáng Mẹ thức sớm nấu cơm đãi khách. Lúc ăn cơm, Mẹ kêu chúng tôi ăn nhiều cho khoẻ, để có sức học tập, công tác. Đại úy Liêu Thanh Phong - Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mỹ Xuyên nói với tôi: “Anh ăn thêm đi cho Mẹ vui. Lần nào đến trao tiền đơn vị phụng dưỡng, Mẹ cũng kêu ở lại ăn cơm. Hôm nào về, không ăn cơm, là Mẹ buồn”.

    Chị Hồ Thanh Hương cho biết: “Khi lãnh tiền phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tiền trợ cấp thân nhân liệt sĩ, Mẹ đều mua bánh kẹo cho trẻ con trong xóm. Có khi Mẹ mua đôi dép, bộ đồ mới cho mấy cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

    Xin phép Mẹ ra về, Mẹ tiễn chúng tôi ra cổng. Nhìn Mẹ đứng đó dõi theo, tôi liên tưởng đến nhiều ngày qua Mẹ đã mỏi mòn tựa cửa đợi chồng và con trở về trong vô vọng.

Thanh Nam



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 103
  • Hôm nay: 7868
  • Trong tuần: 78,575
  • Tất cả: 11,801,895